Làng Khương Mỹ xưa

Tỉnh Quảng Nam xưa có 2 xã/làng mang tên Khương Mỹ: phía bắc ở tổng An Châu Thượng huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn; phía nam ở tổng Đức Hòa, huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ. Ngôi làng Khương Mỹ phía nam hiện còn nhiều di tích và tư liệu.

Trong sách Phủ biên tạp lục, chữ đầu của địa danh Khương Mỹ được viết là 康 Khang (bộ Nghiễm - còn đọc là Khương). Tự dạng này còn được tìm thấy ở một văn bản giao dịch ruộng đất lập năm Cảnh Thịnh thứ Ba (1795) thời Tây Sơn còn lưu tại nhà từ đường tộc Trần Hưng, thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành. Về sau chữ Khang được đổi thành 姜 Khương (bộ Nữ) và tự dạng mới này được dùng trong các văn bản suốt thời Nguyễn.

Tháp Khương Mỹ ngày nay. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Tháp Khương Mỹ ngày nay. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Địa giới và di tích Sổ bộ ruộng đất thời Nguyễn (lập từ năm 1805 - 1836) cho biết xã/làng Khương Mỹ nằm ở bờ nam sông Tam Kỳ, có một quãng đường thiên lý dài 33 tầm (khoảng 700m - quốc lộ xưa) đi qua địa phận. Địa giới được ghi như sau: Phía bắc giáp sông Tam Kỳ, phía nam giáp xã Phú Hưng, phía tây và nam giáp các xã Phú Lân Đông và xã Đức Hòa (tức các thôn Phú Bình, Phú Trung, Bích An, Bích Ngô của xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành hiện nay). Diện tích toàn xã là 71 mẫu 10 thước 3 tấc 1 phân, trong đó ruộng tư chiếm phần lớn (gần 67 mẫu). Người ở các xã khác có ruộng ở Khương Mỹ không nhiều (2 mẫu 4 sào). Số còn lại là đất gò nỗng (thổ phụ). Theo một số lão nông địa phương, ruộng do người khác xã sở hữu là ruộng của cha mẹ chia cho con gái Khương Mỹ lấy chồng ở xã khác qua nhiều đời.

Tên các xứ đất xưa ở đây như A Vó, A Lúa, Trà Nê Thượng, Trà Nê Hạ, Cổ Tháp, Rừng Cầy gắn liền với địa hình cồn bàu. Bàu Trà Nê nằm dọc đầu phía nam con đường tránh ngang qua TP.Tam Kỳ hiện nay; bên kia bàu là ba ngọn tháp Khương Mỹ từng được sách Đại Nam nhất thống chí ghi “tương truyền đây là chỗ táng vợ vua Chiêm Thành” (bản dịch của Viện Sử học, năm 1970, trang 325). Từng có giả thuyết cho rằng: người Chăm xưa đã lấy đất ở đây để xây tháp Khương Mỹ nên mặt bằng lõm xuống thành bàu; nhưng, trên thực địa, bàu Trà Nê là dấu tích của một lạch sông kéo dài xuống đến tận di chỉ khảo cổ học Bàu Dũ nổi tiếng - thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh - cách đó khoảng gần một cây số về phía đông.

Theo lời kể của một số vị cao niên, mặt bằng di tích trước tháp Khương Mỹ thường được dân địa phương dùng để tiến hành các “lễ cầu mưa” vào những năm hạn hán. Thực hư chưa rõ thế nào! Nhưng, tại một ngôi tháp cổ đã sụp từ lâu, cách tháp Khương Mỹ khoảng năm trăm mét về phía đông - nơi giáp ranh hai làng Khương Mỹ và Phú Hưng - thường gọi là “tháp Lạn” hay “tháp Một”, hàng năm từng diễn ra một lễ cầu được mùa gọi là “Lễ Cầu Bông” với nhiều nghi thức và lễ vật được cho là mang đậm dấu ấn của văn hóa người Chăm xưa.

Chùa Tam Bảo trước tháp Khương Mỹ tháng 7 năm 1903.  Ảnh chụp lại từ tư liệu .Ảnh: PHÚ BÌNH
Chùa Tam Bảo trước tháp Khương Mỹ tháng 7 năm 1903. Ảnh chụp lại từ tư liệu .Ảnh: PHÚ BÌNH

Ngay trước tháp Khương Mỹ, cư dân địa phương dựng một ngôi chùa có tên “Tam Bảo tự”. Chẳng rõ chùa có từ lúc nào? Chỉ biết vào tháng 7.1903, ông Henri Carpeaux - nhà khảo cổ người Pháp đã chụp tấm ảnh ngôi “chùa Việt trước tháp Chăm” này (xem ảnh minh họa - NV). Ngôi chùa Tam Bảo ấy nay vẫn còn nhưng hình như nền chùa đã dịch ra xa hơn so với hồi đầu thế kỷ.

Ở bờ nam sông Tam Kỳ, khoảng giữa cầu mới và cầu đường xe lửa Tam Kỳ, có một nơi gọi là Bến Đình. Xưa, gần bến sông ấy có đình làng Khương Mỹ bề thế, kiến trúc theo lối “bát vần” gồm 24 cột với bốn mái chính, bốn mái phụ lợp toàn ngói. Ông Nguyễn Thạnh 94 tuổi, một cư dân Khương Mỹ, kể về đình làng này như sau: “Gian ngoài thờ chư vị tiền hiền, hậu hiền; gian chính bên trong đặt bài vị ghi chữ “Chánh Thần”; trước bài vị có hương án dùng để bày các đạo sắc phong do triều đình ban cho làng. Vào ngày rằm tháng bảy hàng năm, các đạo sắc - vốn được bảo quản tại nhà người giữ sắc (gọi là ông Thủ Sắc; thường do lý trưởng kiêm nhiệm) - được kính cẩn mang ra đặt lên cỗ “Long đình” (bàn nghinh sắc thần) để khiêng lên đình cúng kiếng”. Trong tiêu thổ kháng chiến 1947 - 1954, đình Khương Mỹ được tháo dỡ. Hiện nay, chỉ còn di tích nhỏ là ngôi tự đài xây trên nền của gian hậu tẩm xưa.

Ngoài ra, cũng theo hồi ức dân cư, ở Khương Mỹ xưa có hai ngôi miếu lớn: Một ngôi thờ Thành Hoàng ở xứ Rừng Cầy phía nam; ngôi kia thờ Đại càn Nam hải Tứ vị Thánh nương ở gần sông Tam Kỳ.

Ông Nguyễn Thạnh cũng cho biết, ông bà của ông đã từ xã Dương Luật, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, thừa tuyên Nghệ An vào Quảng Nam khoảng cuối thế kỷ 16; đã định cư vài ba đời ở xã Phú Vinh, tổng An Hòa, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (sau đổi là Tam Kỳ) sau đó mới chuyển đến làng Khương Mỹ. Tư liệu tộc Trần Hưng ở đây cũng cho biết ông bà của họ có gốc gác từ vùng Nghệ An và vào Khương Mỹ hồi đầu thế kỷ 17.

Làng Khương Mỹ xưa có mấy người nổi tiếng thuộc một số tộc họ đến định cư lâu đời. Có thể kể:

Ông Trần Hưng Nhượng từng làm quan ở ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức; từng tham gia việc giảng dạy các hoàng tử con vua Thiệu Trị - trong đó có Hồng Nhậm tức là vua Tự Đức sau này. Tư liệu còn lưu ở tộc Trần Hưng cho biết: vua Tự Đức khá ưu ái ông thầy có quê ở ven sông Tam Kỳ này và đã không ít lần ban thưởng phẩm hàm, chức tước và cho giữ nhiều vị trí cầm quyền quan trọng - đặc biệt là đến khi ông thầy đã 70 tuổi vẫn còn được tín nhiệm giao giữ chức Án sát sứ - lĩnh nhiệm vụ trị an ở vùng biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng. Hiện tại nhà thờ ông Trần Hưng Nhượng, bên cạnh các tư liệu ruộng đất, còn khá nhiều văn bản đóng dấu của nhà vua, của các bộ, của các tỉnh mà trong đó có nhiều nội dung liên quan đến suốt hành trình dạy học trong cung vua, làm quan các nơi, về hưu và được phong tặng thêm cho ông Nhượng sau khi qua đời.

Hai tờ đầu bài Văn cúng cô hồn chữ Nôm của ông Tú Quờn.
Hai tờ đầu bài Văn cúng cô hồn chữ Nôm của ông Tú Quờn.

Ông Tú Quờn sống khoảng cuối thế kỷ 19 là một người hay chữ của làng Khương Mỹ. Ông tuy chỉ đỗ tú tài nhưng nổi tiếng về tài sáng tác thơ văn theo lối bình dân, trong đó có bài “Văn cúng cô hồn” viết bằng chữ Nôm hiện còn được nhiều người nhớ và nhiều nhà còn giữ văn bản. Nhiều câu đối rất hay của Tú Quờn hiện còn lưu trong các sưu tầm ở địa phương. Các tác phẩm khác như “Thơ ghẻ ngứa” - châm chọc một viên quan hách dịch; “Vè bà Phó” - thác lời người vợ gửi chồng đi lính ngoài kinh thành Huế; “Tuồng đổ bác” - bản tuồng hát bộ chữ Nôm nói về nạn đánh bạc với các nhân vật là người thật việc thật ở địa phương… tất cả đều còn được lưu.

Ông Trần Thiều - một thầy thuốc đông y được gia đình kể là đã nhiều lần lên Tiên Phước trao đổi thuật làm thuốc với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Nhiều giai thoại về tài chữa bịnh của “thầy Thiều” được phổ biến rộng rãi ở vùng Tam Kỳ, trong đó có chuyện “Từ chối ngồi lên xe của tri phủ Tam Kỳ Nguyễn Hữu Tựu đưa đến mời về phủ chữa bệnh cho mẹ của quan chỉ vì (thầy Thiều bảo) đó là xe công, chỉ nên dành cho việc công!”. Đến khi người bệnh được chữa lành, kèm theo lễ vật tạ ơn là đôi câu đối của quan phủ Tựu (ca tụng thầy thuốc) rất hay mà đến nay gia tộc vẫn còn treo tại nhà thờ ông thầy nổi tiếng này. Tại đây cũng còn mấy câu đối khác, nói về nghề thầy thuốc, được nhiều người rành chữ nho cho là rất giá trị.

Một tư liệu lưu ở địa phương còn cho biết dân làng Khương Mỹ xưa - do sát bến đò phía nam của tuần đò Tam Kỳ - phải chịu trách nhiệm cung cấp hàng năm khoảng 20 dân phu cho nhà dịch trạm Nam Kỳ đặt ở bờ bắc gần đó (nay gần khuôn viên chùa Tịnh Độ - Tam Kỳ). Các dân phu này chuyên lo mọi việc vận chuyển, đưa đón người và hàng hóa thuộc công vụ (qua nhà dịch trạm nói trên) ở phía bờ nam.


PHÚ BÌNH


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top