Thương quá Quảng Nam ơi!

Chưa bao giờ người dân Quảng Nam lại phải đối diện với muôn vàn khó khăn như lúc này. Vừa mới vượt qua đại dịch Covid-19 thì thiên tai liên tục kéo đến, bão táp ở ven biển, lũ lụt ven sông Vu Gia và thật kinh hoàng trước thảm họa do sạt lở đất ở các huyện miền núi cao Nam Trà My, Phước Sơn…

Lần đầu tiên, một cơn bão chưa vào Biển Đông nhưng các cơ quan thông tấn, báo chí đã liên tục phát đi các bản tin khẩn cấp về dự báo đường đi và mức độ rủi ro thiên tai cấp độ 4 có thể sẽ xảy ra.

Sáng 26.10, trước tình hình bão khẩn cấp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điều hành cuộc họp trực tuyến với các địa phương để ứng phó bão số 9. 

Ngày 27.10,  Ban Chỉ đạo tiền phương được thành lập tại thành phố Đà Nẵng do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng kịp thời chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp bổ sung 6.500 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam để cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ.

 


Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tập trung chỉ đạo các tỉnh trong vùng bị ảnh hưởng cơn bão số 9 phải tập trung toàn lực lượng để khẩn trương sơ tán người dân tại các khu vực ven biển, thấp trũng, nhà yếu, khu du lịch, các khu vực có nguy cơ sạt lở. Đặc biệt, các đơn vị chức năng hướng dẫn, chỉ đạo người dân chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, biển hiệu, biển quảng cáo, các công trình công cộng, nhất là các công trình cột, tháp cao, khu công nghiệp; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cây trồng lâu năm, cây công nghiệp. Trong đó, người dân cần chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài nhiều ngày.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng quán triệt: Mục tiêu của chúng ta là bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân; phát huy tốt, có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, có sự hỗ trợ của các lực lượng, cơ quan Trung ương ở tất cả lĩnh vực.

 


Tỉnh Quảng Nam cũng kịp thời triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 9. Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tích cực phòng chống bão số 9, tuyệt đối không chủ quan, khẩn trương sơ tán dân, ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao…

 
 


Sau khi bão số 9 đổ bộ vào miền Trung, đường sá lên vùng cao biên giới bị chia cắt, nhiều ngôi làng ở miền núi tỉnh Quảng Nam bị sạt lở. Gõ từ khóa trên Google “sạt lở đất ở Quảng Nam” thì có ngay khoảng 14.300.000 kết quả trong vòng 0,36 giây. Điều đó cho thấy sự nghiêm trọng của sự cố vô cùng bi thương đối với đồng bào vùng cao đất Quảng.

 


Theo lời kể của dân nóc Ông Tía, thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My), chỉ sau một tiếng nổ vang trời như bom dội giữa đại ngàn, đất, đá, nước từ trên núi cao ầm ầm đổ xuống như một trận đại hồng thủy. Chỉ trong chốc lát cả ngôi làng bình yên của đồng bào dân tộc Ca Dong đã bị xóa sổ. Cùng với đó là tiếng gọi thất thanh, tiếng kêu cứu thảm thiết của một số rất ít người may mắn còn sống sót.

Trong thoáng chốc nhiều người thân của họ vĩnh viễn không còn nữa. Có gia đình đã mất đến 3, 4, thậm chí là 7, 8 người thân. Con mất cha, mất mẹ. Vợ mất chồng. Cha, mẹ thì mất con…Thật là khủng khiếp, thật quá đau thương!

Quả thật, thiên tai quá khốc liệt! Thiên tai chồng lên thiên tai. Nỗi đau nối tiếp những nỗi đau.

Sáng ngày 30.10, mở đầu phiên họp thường kỳ tháng 10.2020, Chính phủ đã dành một phút tưởng niệm và chia sẻ những mất mát, đau thương, hy sinh của đồng bào, chiến sĩ do bão lũ lịch sử gây ra ở miền Trung. Thủ tướng đã không khỏi xúc động nói, tháng 10 là tháng xảy ra bão lũ liên tục, “lũ chồng lũ, bão chồng bão”, gây thiệt hại rất lớn đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Đã có hàng trăm người tử nạn, mất tích, trong đó có nhiều cán bộ, sĩ quan quân đội và công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Vẫn còn nhiều đồng bào gặp nạn ở biển khơi, bị núi lở vùi lấp ở miền núi xa xôi, chưa tìm thấy… Chúng ta phải tăng sức sản xuất, phải làm gấp đôi, gấp ba, quyết liệt hơn để bù đắp sự tổn thất, mất mát của nhân dân miền Trung.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và từ mệnh lệnh của trái tim lực lượng cứu hộ đã phải băng rừng, vượt suối, huy động tối đa phương tiện cơ giới, nhân lực kể cả đưa thêm chó nghiệp vụ, flycam bay dọc sông Tranh với hy vọng giành lại sự sống cho bà con.

 


Tác nghiệp tại hiện trường tại Trà Leng, chứng kiến nỗi đau của người dân nơi đây, phóng viên Đỗ Vinh (VTV8) đã không kìm được cảm xúc và đã bật khóc nghẹn ngào trên bản tin thời sự 19h ngày 30.10 của Đài Truyền hình Việt Nam. 

 


Nhiều phóng viên các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương cũng đã không quản khó khăn, bất chấp mưa gió bão lũ có mặt kịp thời tại hiện trường để chuyển tải những hình ảnh mới nhất, những thông tin nóng nhất đến với đồng bào cả nước.

Phóng viên Đoàn Hữu Trung (Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Quảng Nam) cũng là một trong số các nhà báo tác nghiệp tại Trà Leng, lúc các chiến sĩ đưa thi thể bé lên khỏi lớp bùn đất, sình lầy, quá xúc động, người phóng viên này quỵ xuống, bật khóc...

 


Ngày 31.10, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cũng đã băng rừng, vượt suối, bất chấp hiểm nguy để có mặt ngay tại Trà Leng động viên, thăm hỏi dân làng cùng các lực lượng chức năng tham gia cứu hộ, cứu nạn. Đồng chí Bí thư xúc động nói: “Mong bà con cố gắng, tiếp tục vượt qua đau thương, khó khăn. Các lực lượng chức năng đang làm hết sức mình, kể cả ngày lẫn đêm để tìm kiếm những người mất tích; chính quyền đã và đang hỗ trợ gạo, thức ăn đến bà con. Thời gian tới, tỉnh sẽ có kế hoạch xây dựng nhà mới tại làng mới để bà con sinh sống, làm ăn, sản xuất”.

 
 


Tại 4 tỉnh, thành miền Trung: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định tính đến 14 giờ ngày 31.10, bão số 9 đã làm 80 người chết, mất tích, trong đó có 45 người do sạt lở đất; 727 nhà bị sập hoàn toàn. Ước tính thiệt hại khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Trung ương, các địa phương đã tổng lực chỉ đạo 66.121 lượt cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, 1.716 phương tiện để ứng phó, hỗ trợ nhân dân dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường…

Nhiều tấm lòng thiện nguyện với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” đã hướng về đồng bào miền Trung, đồng bào Quảng Nam nhằm xoa dịu bớt đi nỗi đau, nỗi ám ảnh kinh hoàng của thiên tai, bão lũ…

 
 
 


Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10.2020 chiều 30.10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã thông tin nhiều vấn đề được các cơ quan báo chí, dư luận quan tâm.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Công Thành: Đợt thiên tai vừa rồi khốc liệt hơn đợt thiên tai năm 1999, xảy ra tại khu vực miền Trung với 4 trận bão liên tiếp, số 6, 7, 8, 9 trong đó cơn bão số 9 mạnh nhất 20 năm vừa qua, mưa lớn kéo dài đã gây ra lượng mưa lớn hơn cả lịch sử năm 1999. Chúng ta đã được các chuyên gia về địa chất đánh giá rằng nguyên nhân chính về sạt lở đất ở miền Trung là do nơi đây đồi núi cao, phân cách, về địa chất có nhiều loại đất đá cổ, bị đập vỡ nứt nẻ tạo ra các lớp vỏ phong hóa rất dày, nhiều đất sét, đây là điều kiện hết sức bất lợi, khi mưa lớn, đặc biệt lâu ngày, nước chứa trong các lớp phong hóa này sẽ bị nhão và có lực trượt kéo xuống phía dưới. Ngoài ra, là hoạt động dân sinh, khi chúng ta phát triển, cần phải mở đường, san ủi để có mặt bằng xây dựng nhà ở, trường học, xây dựng các cơ sở hạ tầng, trong đó có cả các nhà máy thủy điện để bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Đây là những hoạt động tạo ra việc cắt ta-luy, mất chân sườn dốc, làm mất ổn định… Các hoạt động này là nguyên nhân kích hoạt để thiên tai có thể xảy ra.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định đợt thiên tai miền Trung vừa rồi rất dị thường và bất thường. "Ngay từ tháng 1.2020, tại Hội nghị toàn quốc về thiên tai, chúng tôi cùng Bộ Tài nguyên và môi trường đã cảnh báo năm nay sẽ có khoảng 5 đến 6 cơn bão ở miền Trung, và trong đó sẽ có những cơn bão rất lớn. Chúng tôi cũng đã cảnh báo trước 15 ngày về đợt lụt lịch sử tại Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Như vậy chúng ta có cảnh báo và cảnh báo sớm, nhưng tại sao lại vẫn xảy ra tình trạng như vậy, vẫn có hình ảnh người dân không kịp chạy lũ, ở trên nóc nhà? Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Chúng ta đã cảnh báo sớm và người dân cơ bản đã biết thông tin. Có 56,1 triệu lượt tin nhắn gửi đến bà con miền Trung. Chúng tôi đã cùng Bộ Thông tin và truyền thông làm việc này. Chưa nói đến hệ thống chính trị của chúng ta đã vào cuộc rất sớm. Về ứng phó, chúng ta đã rất chủ động. Tuy nhiên chúng ta cần hơn trong những trận thiên tai cực đoan như thế này một lực lượng chuyên nghiệp cao hơn, trang thiết bị đồng bộ hơn, và chúng tôi rất mong muốn lực lượng này có trang thiết bị phù hợp với mọi điều kiện địa hình và thời tiết. Có như thế chúng ta mới đảm bảo được nhanh và an toàn cho đội cứu hộ".

Chúng ta đã đầu tư rất nhiều, tuy nhiên sức chịu đựng của cơ sở hạ tầng cũng có hạn chế. Chẳng hạn đê biển, trong thiết kế chỉ chịu đựng được đến sóng gió cấp 11. Nếu thiết kế đê biển chịu đựng được cấp 12, giật cấp 15 thì kinh phí lên gấp đôi và chúng ta chưa đủ tiền. Hoặc là hạ tầng cơ sở giao thông, các công trình phúc lợi, chúng ta thiết kế ở mức độ chấp nhận được, sức chịu đựng cũng có hạn. Ngay chỗ tránh trú bão là yêu cầu tối thiểu thì hiện nay neo đậu tàu thuyền chúng ta cũng chỉ đảm bảo được 46%, như vậy còn 54% tàu thuyền.

Câu chuyện sạt lở đất, chúng ta thiệt hại nhiều về người. Sạt lở đất bây giờ diễn ra rất phức tạp và không theo quy luật. Những chỗ sạt lở đất lớn vừa rồi, kể cả ở Trạm Kiểm lâm 67, Đoàn Kinh tế 337 hay mới nhất ở Nam Trà My, đây là những chỗ ổn định lâu dài, không có trong cảnh báo. Như vậy, chúng ta cần ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn nữa trong cảnh báo, chỉ có đưa khoa học công nghệ vào thì cảnh báo mới tốt và nhanh được. Mặt khác, tôi khẳng định con người có tác động đến thiên tai. Mọi hoạt động của con người đều có tác động hoặc xấu hoặc tốt đến mọi vấn đề, trong đó có thiên tai. Quan điểm của chúng tôi là chúng ta phải thuận thiên, nhưng là thích nghi có kiểm soát, phải có giải pháp công trình để chúng ta thuận thiên.

Chia sẻ với những mất mát của các tỉnh miền Trung, trong phiên làm việc mới đây với các tỉnh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương phải cấp bách có giải pháp cụ thể để nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân. Cuộc họp này chưa phải đưa ra kết luận nhưng các bộ, ngành, địa phương phải nêu nguyên nhân của các vụ sạt lở đất để từ đó nghiên cứu giải pháp ổn định, sắp xếp dân cư về lâu về dài. Thủ tướng cũng bày tỏ, khó khăn phía trước còn nhiều, Đảng, Nhà nước tin tưởng người dân miền Trung anh hùng sẽ vượt lên để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

 
 
ĐĂNG KHOA.

Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top